Đến chơi thủ đô Bangkok, thành phố lớn nhất Thái Lan, bạn không chỉ vãn cảnh chùa, mua sắm, vui chơi mà còn có thể ghé thăm những cung điện Hoàng gia nhuốm màu thời gian.
Những cung điện xa hoa, quyền quý hơn trăm năm tuổi nay không còn là nơi ở của gia đình Hoàng gia Thái Lan mà mở cửa đón tiếp dân chúng và du khách thập phương với vai trò là bảo tàng Hoàng gia. Mỗi góc, mỗi cảnh vật ở những cung điện này đều là những thước phim lịch sử về Hoàng gia Thái. Bởi thế mà để hiểu hơn về đất nước Chùa Vàng, bạn không thể nào bỏ qua 3 cung điện nổi tiếng ở thủ đô Bangkok.
Cung điện Hoàng Gia – Grand Palace
Tọa lạc trong khu trung tâm thủ đô Bangkok, quần thể kiến trúc cung điện Hoàng gia Grand Palace là niềm tự hào của người dân Thái Lan. Quần thể kiến trúc hoành tráng này nằm trong khuôn viên rộng hơn 2km2, gồm 3 khu vực chính: Hoàng cung, Văn phòng Hoàng gia và các ngôi chùa xây dựng từ những năm 1772.
Ngôi Tháp lớn nhất trong quần thể kiến trúc Hoàng cung gọi là Phra Sri Rattana, trông như một biệt thự cao tầng hình ngọn núi được bao bọc bởi hàng triệu lá vàng dát mỏng nhập về từ Ý. Tháp này dùng để quàn ướp thi hài các nhà vua vừa qua đời. Sau ba tháng phúng viếng tế lễ, thi thể nhà vua mới được đưa ra ngoài giàn hỏa thiêu. Một phần nhỏ tro xương sẽ được bỏ trong bình sứ để thờ trong chùa, phần còn lại rải trên biển. Bảo vệ quanh tháp là tượng những chú voi linh thiêng của đất nước Thái Lan.
Kiến trúc nổi bật nhất Hoàng cung là ngôi chùa Phật Ngọc (Wat Phra Kaeo) xây dựng khi vua Rama I dời kinh đô đến Bangkok vào năm 1785. Ngôi chùa này rộng đến 945.000m², gồm hơn 100 tòa nhà cao tầng và không có sư sãi tu hành. Chùa Phật Ngọc nổi tiếng không chỉ vì vẻ đẹp của nhiều kiểu kiến trúc đậm chất Phật giáo Thái Lan mà còn là sự linh thiêng của bức tượng Phật bằng ngọc bích, một báu vật trấn quốc quý hiếm trên thế gian. Tượng Phật tạc từ một khối ngọc bích nguyên chất có kích thước 48cm x 46cm đặt trên bệ cao 2m, người dân Thái Lan tin rằng tượng Phật ngọc mang đến may mắn, sự phát đạt, phồn vinh, và hưng thịnh cho đất nước.
Hiện nay, cung điện không còn là nơi ở của Hoàng gia Thái Lan, nhưng các sự kiện trọng đại của quốc gia vẫn được tổ chức ở đây. Mỗi năm, đất nước Chùa Vàng đón khoảng 8 triệu lượt khách du lịch đến chiêm bái và ngoạn cảnh Hoàng cung Hoàng gia – Grand Palace.
Cung điện Vimanmek Mansion
Dựng chủ yếu bằng gỗ teak, cung điện Vimanmek Mansion được mệnh danh là Cung điện Mùa hè của vua Rama V, phủ một màu vàng sẫm quyền quý nguyên là một cung điện hoàng gia của Thái Lan vào đầu thế kỷ 20. Thực tế thì vua Rama V chỉ ở đây trong khoảng thời gian 5 năm (1901 -1906), sau đó thì cung điện bị bỏ trống và mãi đến năm 1925, vua Rama V mới cho phép Hoàng hậu Indharasaksaji đến đây ở. Từ năm 1932, cung điện bị biến thành nhà kho lưu giữ mọi vật dụng của Hoàng gia, và nay là viện bảo tàng về vua Rama V.
Bên trong cung điện Vimanmek Mansion lưu giữ nhiều kỷ vật có giá trị từng được các vị hoàng đế, vương phi, hoàng tử, công chúa sử dụng lúc sinh thời như 7 ngai vàng của 7 triều đại hoàng đế, tượng Phật bằng vàng, những chiếc ngà voi dài hơn 1m, những bộ gốm sứ có niên đại hơn 200 năm, sản phẩm thủ công vàng bạc, đá quý, điêu khắc gỗ, hàng tơ lụa… Căn phòng khi xưa vua Rama V ngủ được thiết kế theo kiểu Châu Âu, lắp đặt các trang thiết bị hiện đại có mặt đầu tiên tại Thái Lan lúc bấy giờ như bồn rửa mặt, vòi hoa sen, nhà vệ sinh dội nước tự động.
Ngoại trừ ngày lễ, mỗi ngày cung điện đều mở cửa từ 8h30 đến 16h30. Nếu đã mua vé tham quan Cung điện Hoàng gia Grand Palace, bạn sẽ được miễn phí vé vào Cung điện Vimanmek Mansion.
Cung điện Ananta Samakhom
Cung điện Ananta Samakhom nằm gần cung điện mùa hè Dusit Palace, được khởi dựng vào thời vua Rama V, nhưng mãi đến thời vua Rama VI mới hoàn thành. Mục đích xây dựng cung điện bấy giờ là dùng làm nơi đón tiếp các quan khách nước ngoài và tổ chức các hội nghị của hội đồng cố vấn Hoàng gia về vấn đề phát triển đất nước. Nay ngoài việc phục vụ những chuyến thăm ngoại giao của các vị chức sắc, những cuộc họp của nhà nước và những dịp kỷ niệm của Hoàng gia, cung điện luôn mở rộng cửa chào đón công chúng và khách du lịch đến tham quan.
Thiết kế theo lối kiến trúc thời kỳ Phục Hưng kết hợp kiến trúc truyền thống Thái Lan, hai tầng cung điện đều lát đá cẩm thạch, toàn bộ phần mái vòm là bức bích họa tuyệt mỹ khắc họa lại những sự kiện của Hoàng gia từ thời vua Rama I đến vua Rama VI. Bên trong là 24 khu vực nhỏ bày trí những món trang sức chạm trổ tinh tế, những tác phẩm mô phỏng vật dụng của hoàng gia chế tác công phu và tỉ mỉ như ngai vàng, ghế ngồi trên lưng voi, lọng che, mô hình thuyền rồng của vua. Căn phòng dài ở tầng phía trên nổi bật với những họa tiết La Mã nổi và hình ảnh hoa cỏ tiêu biểu cho nghệ thuật Ba-rôc và thời Kỳ Phục Hưng.
Hàng năm, nhiều sự kiện quốc gia được tổ chức tại cung điện Ananta Samakhom, như các buổi diễu hành Tropping of the Color vào tháng 12, hội chợ Hội Chữ Thập đỏ vào cuối tháng ba, ngày của trẻ em được tổ chức vào tuần thứ 2 của tháng. Nếu du ngoạn Thái Lan vào các dịp này, bạn có thể đến đây tham quan và tham gia các sự kiện.
Tham quan cung điện ở Thái Lan, bạn cần tuân thủ một số quy định nghiêm ngặt, như trang phục kín đáo, không quá ngắn, không hở hang, không đi dép xỏ ngón để lộ chân trần, và không sử dụng máy ảnh khi ở bên trong cung điện. Nếu lỡ mặc đồ ngắn, bạn sẽ được cấp xà rông ngay cửa ra vào trước khi qua quá trình khám xét của bộ phận an ninh.
Gotadi.com